Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Miễn thi tốt nghiệp: Chẳng khác gì mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực?

 07/01/14 07:37
(GDVN) - Việc dự thảo quy định miễn 20% thí sinh thi tốt nghiệp ở mỗi Sở GD&ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không khác gì là một mảnh đất tiêu cực.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định đổi mới phương pháp thi và công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó quy định tỷ lệ được miễn thi tốt nghiệp ở mỗi Sở GD&ĐT là 20%, số này là những học sinh khá, giỏi, nên việc thi thì kiểu gì cũng đỗ, do vậy miễn thi số này để tiết kiện 20% cho công tác phục vụ thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhà giáo bày tỏ dự thảo quy định miễn 20% thí sinh có thành tích học tập khá, giỏi ở bậc phổ thông không phải thi tốt nghiệp là điều không cần thiết. Làm như vậy sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc nâng đỡ kết quả học tập, chạy điểm, chạy thầy cô để có được kết quả tốt.
Trao đổi với chúng tôi TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết ông không đồng tình với quy định miễn thi 20%/mỗi Sở GD&ĐT. Làm như vậy là không công bằng, thay vào đó Bộ GD&ĐT hãy trả xét tốt nghiệp cho các trường theo định mức, theo tiêu chuẩn của bộ, để vai trò các trường được chủ động hơn. Nếu các trường được chủ động mới có thể đánh giá đúng học trò, từ đó học sinh buộc phải học toàn diện, buộc phải rèn luyện toàn diện. 
TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh Xuân Trung
TS. Nguyễn Tùng Lâm so sánh, vì kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi công nhận hoàn thành chương trình THPT, do vậy không nên cộng điểm ưu tiên, khuyến khích hay xếp loại, càng không nên đưa vào tiêu chí xem xét thi đua của các địa phương. 
“Chắc chắn các trường không thể công nhận tốt nghiệp quá 98% như của Bộ được, Bộ không cần khống chế mà chỉ cần giao đúng tiêu chuẩn, những học sinh nào yếu kém, lười thì sang năm phải học lại. Tuy nhiên, kèm theo đó trong năm nay có thể áp dụng phương án thi 4 môn như trong dự thảo” TS. Tùng Lâm cho biết.
Theo kiến nghị của TS. Nguyễn Tùng Lâm, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thi bốn môn, trong đó có hai môn ngữ văn, toán thi bắt buộc. Hai môn còn lại thí sinh được tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học. Nếu áp dụng cách này, đa số học sinh thành phố sẽ vẫn thi ngoại ngữ, nhưng học sinh các vùng không có điều kiện dạy học tốt ngoại ngữ sẽ chọn môn khác.
TS. Lâm cho rằng, trong nhiều năm qua chúng ta tổ chức thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không cải thiện được chất lượng dạy học môn này, do đó cần lấy việc bắt buộc thi ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng môn học này, tuy nhiên cần phải có phương pháp để đổi mới cách thi ngoại ngữ, sẽ không thi theo hình thức trắc nghiệm nữa.
Thay đổi cách thi, cách đánh giá sẽ có tác dụng trở lại trong việc dạy và học. Theo TS. Lâm có thể từ năm 2014 sẽ không còn thi trắc nghiệm như những năm trước, buộc học sinh phải thi tự luận để kiểm tra năng lực cũng như kỹ năng, để đánh giá được mức độ sáng tạo của từng học sinh.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải nghiêm túc, không có thành tích trong đó, không có chia tỷ lệ phần trăm. Kết quả tốt nghiệp chỉ để lấy đó là căn cứ cho học sinh vào đại học, cao đẳng. Như vậy chúng ta giảm ngay được một kỳ thi ở năm 2014, chứ không chờ đợi được nữa. Nếu làm tốt kết quả này thì các trường đại học có nhiều học sinh hơn, vì họ có cách tuyển riêng của mình” TS. Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Từ trong cách thay đổi phương thức đánh giá sẽ dẫn đến các trường đại học, cao đẳng hiện nay phải tư duy trong công tác tuyển sinh của mình, có thể sẽ không cố định thi theo các khối A, B, C, D như mọi năm. Các trường sẽ dựa vào khả năng, năng khiếu của học sinh để lựa chọn người học cho phù hợp hơn.
Vì thực tế, những người giỏi thường có suy nghĩ thi vào các trường đại học danh tiếng như Đại học Y Hà Nội, Ngoại thương,… nhưng ít ai biết được rằng, giỏi nhưng chắc gì đã phù hợp với ngành Y? TS. Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề: “trường Y có thể không lấy điểm cao mà có thể dựa vào phỏng vấn, dựa vào bài luận của học sinh để xem học sinh hiểu nghề bác sỹ, hiểu thế nào về y đức…Mỗi trường có đặc thù riêng nên tuyển không lệ thuộc vào điểm, hiện nay chúng ta quá lệ thuộc vào điểm mà không thấy cái khác của con người. Với dự thảo thi tốt nghiệp như Bộ đưa ra tôi nghĩ là rất hay, giúp cho quá trình rèn luyện của học sinh trong trường thực chất hơn, không bị ràng buộc về thành tích”. 
Chia sẻ thêm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, học sinh bây giờ phải đối đầu với việc học thật và được người khác đánh giá thật về mình. Nếu không có hai “thật” này thì dường như xã hội đang bị nhiễu.
Một số giáo viên phổ thông khi nghe tới dự thảo thi và công nhận tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT, một phần đồng tình, nhưng cũng có người phản đối việc miễn thi 20% cho mỗi Sở GD&ĐT. 
Một giáo viên trường THPT Thanh Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết, nếu Bộ quyết định tỷ lệ miễn 20% không phải thi tốt nghiệp chẳng khác gì đó là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, vì bình thường đã xuất hiện việc tiêu cực trong mua điểm.
Theo giáo viên này, nếu 20% học sinh học giỏi được miễn, đôi khi chỉ cần người thầy giáo dễ một chút là có thể em được miễn, em không được miễn, lúc đó sẽ xảy ra chuyện so sánh giữa học sinh với nhau. Và câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó khi đằng sau việc nâng đỡ hay “dìm” học sinh sẽ xảy ra chuyện phản ánh, có thể khiến giáo viên gặp khó khăn, nhà trường bị ảnh hưởng…
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã giải thích về việc tỷ lệ 20% được miễn thi ở mỗi Sở GD&ĐT rằng, đây là số học sinh khá, giỏi. Miễn thi để các em không phải thi vì thi là đỗ, tiết kiệm được 20% chi phí phòng thi, cán bộ coi thi,...
“Miễn thi có khách quan không? Theo tôi chất lượng giáo dục các nơi là khác nhau, điều kiện dạy và học cũng khác nhau. Vì thế, dư luận vẫn cho rằng thi cử phải bảo đảm bình đẳng giữa các vùng miền. Các nơi khác nhau. Vì thế lấy 20% là để bảo đảm công bằng cho các vùng” Thứ trưởng Hiển cho biết.
Lo ngại về tiêu cực trong việc xác định tỷ lệ miễn 20%, Thứ trưởng Hiển nói rằng: “Trước đây có miễn thi và Bộ chỉ giao chuẩn nên nhà trường, học sinh tìm mọi cách để đạt chuẩn. Giờ chỉ giao 20%, số này là xuất sắc. Đưa vào để tăng sự giám sát của phụ huynh, của học sinh.  Chắc chắn chúng ta chỉ lấy sót chứ không thừa học sinh giỏi, khá” lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định.
Các  quy định trong dự thảo này đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến từ xã hội, nếu được rộng rãi xã hội đồng tình thì có thể năm 2014 sẽ thay đổi cách thi, cách công nhận tốt nghiệp THPT./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét